Bé biếng ăn, kén ăn, chậm lớn là một trong những nỗi lo hằng ngày của các bậc làm cha làm mẹ. Đặc biệt là những bé vừa lên 1 tuổi. Sự thay đổi khẩu vị ở giai đoạn này thường không được các bé hợp tác. Nó không nguy hại trực tiếp tới tính mạng của bé, thế nhưng biếng ăn chắc chắn sẽ khiến thể trạng của bé kém phát triển, dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng và không tránh khỏi tình trạng thiểu năng.
Vậy, những triệu chứng nào cho thấy trẻ biếng ăn? Lý do là gì? Và làm thế nào để khắc phục? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
1. Những triệu chứng trẻ biếng ăn
Theo thống kê, tỷ lệ trẻ biếng ăn, nhất là trẻ ở giai đoạn 1, 2 tuổi có thể lên tới 20-30%. Trong đó, các dấu hiệu trẻ biếng ăn thường là:
– Bé biếng ăn, ăn rất ít và chỉ ăn một số món nhất định (một số bé chỉ ăn 1-2 thìa thức ăn mỗi bữa).
– Bé biếng ăn không chịu thử những món mới.
– Mỗi bữa ăn của bé biếng ăn thường kéo dài trên 30 phút, lượng thức ăn mà bé dung nạp mỗi bữa ít hơn so với các bé khác ở cùng độ tuổi.
– Trẻ biếng ăn hay quấy khóc, ngậm hoặc phun thức ăn…

2. Các lí do không thể bỏ qua khi trẻ biếng ăn
Biếng ăn thường có nhiều lí do khác nhau.. Đặc biệt trẻ ở giai đoạn 1 tuổi. Sự thay đổi trong chế độ ăn có thể làm trẻ trở nên lười ăn đột ngột. Có một số nguyên nhân cơ bản sau:
– Thức ăn không hợp khẩu vị, không hợp với lứa tuổi trẻ: Bố mẹ thường nghĩ, chỉ các loại thức ăn như: thịt, trứng, sữa, cá mới tốt. Chính điều này góp phần “tạo lên” chứng biếng ăn ở trẻ.
– Trẻ bị ép ăn theo một chế độ cứng nhắc, tạo nên tâm lí sợ ăn: Với tâm lý lo lắng con còi, bố mẹ thường bắt ép bé ăn mỗi ngày mà không để ý đến nhu cầu của trẻ. Chính việc làm này đã vô tình khiến bé cảm thấy “mỗi bữa ăn như 1 cuộc chiến”, và bé luôn phải chạy trốn hay phản ứng ngược lại để “phòng vệ”.
– Trẻ hay ăn uống vặt và ăn không đúng bữa: Để dỗ trẻ, bố mẹ thường đưa các đồ ăn vặt từ bánh ngọt, bim bim, váng sữa cho đến nước ngọt cho bé. Đđiều này sẽ làm tăng đường huyết và khiến bé ngang dạ không muốn ăn.
– Nhiễm kí sinh trùng đường ruột: Ở một số trường hợp cụ thể, trẻ bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột như: giun đũa, giun kim, giun móc, sán,… cũng dễ dẫn tới chán ăn.

– Thiếu một số vitamin: Vitamin và một số yếu tố vi lượng (sắt, kẽm,…) tham gia hình thành các men tiêu hoá cũng như quá trình chuyển hoá, hấp thu thức ăn. Các chất dinh dưỡng này được cung cấp từ các loại thực phẩm bổ sung hàng ngày. Nhưng do trẻ lười ăn, ăn ít hoặc ăn kiêng nên bị thiếu, vô tình cũng dẫn tới tình trạng biếng ăn kéo dài.
– Trẻ đang bị bệnh: Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp ở trẻ. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi thất thường mà cơ thể bé không kịp thích nghi.
Đối với trẻ 1 tuổi, tình trạng biếng ăn còn có thể xuất phát từ một số lí do khác như: bé đang mọc răng, bé mê chơi hơn mê ăn, thực đơn nhàm chán, phải ăn nhiều bữa phụ, táo bón kéo dài, giờ giấc sinh hoạt thay đổi…
3. Một số giải pháp khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ
Một vài lời khuyên dưới đây hy vọng có thể giúp các mẹ có con, nhất là con 1 tuổi vượt qua giai đoạn biếng ăn:
– Mẹ đừng cố ép con ăn hết món bé không muốn ăn. Thay vào đó, mẹ hãy chuẩn bị thêm nhiều món mới để thay đổi khẩu vị cho con. Khi mới cho trẻ thử ăn món mới, mẹ hãy để bé làm quen từng ít một.
+ Mẹ nên nhớ chỉ băm nhỏ và nấu mềm thức ăn cho trẻ biếng ăn chứ không xay nhuyễn vì dinh dưỡng trong đồ ăn sẽ bị giảm hoặc mất hết.

– Bố mẹ có thể tăng bữa ăn cho trẻ, điều đó có nghĩa là có thể cho bé ăn 5-6 bữa/ngày thay vì chỉ cho bé ăn 3 bữa chính. Việc tăng số lượng bữa ăn đồng nghĩa với việc chia nhỏ lượng thức ăn trong một bữa để trẻ không còn cảm giác phải ăn cùng một lúc quá nhiều.
– Khi nấu đồ ăn cho trẻ, mẹ nên nhớ thức ăn không nên quá đặc hay quá lỏng.
– Bố mẹ hãy để bé được ngồi cùng bàn và ăn chung với cả gia đình. Trẻ con thích bắt chước người lớn vì thế nếu con được nhìn thấy bố mẹ ăn uống ngon lành thì cũng sẽ có hứng thú ăn uống.
– Bố mẹ đừng la mắng, quát tháo con trong mỗi bữa ăn bởi như vậy sẽ khiến bé sợ và làm tình trạng biếng ăn trở nên tồi tệ hơn.
Nhìn chung, cách để giúp trẻ khắc phục tình trạng biếng ăn phụ thuộc rất nhiều vào các bậc cha mẹ. Trước hết cần tìm hiểu lí do vì sao trẻ không muốn ăn hoặc ăn ít. Sau đó, tùy từng trường hợp các mẹ có thể lên thực đơn thức ăn hàng ngày cho trẻ, đảm bảo khoa học, dinh dưỡng, đa dạng và hấp dẫn. Hạn chế cho bé ăn vặt. Tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ, nhất là những bữa ăn vui vẻ.

Kết bài
Biếng ăn luôn là tình trạng khá phổ biến ở trẻ, hơn cả là trẻ ở giai đoạn 1 tuổi. Chính vì vậy, bố mẹ nên có đầy đủ những kiến thức cần thiết để có thể dễ dàng chăm sóc trẻ tốt nhất. Chúc các bạn thành công!