Bé 2 Tuổi Thường Biết Làm Những Gì? – Mau Ăn Chóng Lớn
Bé 2 tuổi biết làm gì? Không có một câu trả lời nào là hoàn toàn chính xác cho việc này. Bởi lẽ, mỗi bé khác nhau sẽ có những sự phát triển khác nhau. Điều đó ngoài sinh lý của bé, còn phụ thuộc vào môi trường sống, cách giáo dục của người nuôi dưỡng. Tuy nhiên vẫn có những điểm chung tương đối có cho hầu hết các bé ở giai đoạn lên 2. Vậy, bé 2 tuổi có thể làm được những gì? Cùng tham khảo một số thông tin dưới đây nhé!
1. Giai đoạn bé 2 tuổi là giai đoạn như thế nào?
2 tuổi là giai đoạn bé bước vào thời kì tự lập. Cái gì cũng không muốn bố mẹ làm hộ mà rất muốn học cách tự làm lấy. Bé bắt đầu chú ý đến những việc mà bố mẹ hoặc người thân cận làm và bắt chước theo. Đây cũng là thời điểm bé bắt đầu học hỏi nhiều thứ từ gia đình. Chính vì thế, trẻ lên 2 thường không có giờ phút nào ngồi yên, lúc nào cũng phải hoạt động, thậm chí dành việc của người lớn.
2 tuổi cũng là giai đoạn phát triển trí tuệ quan trọng của trẻ. Bé trở nên tò mò và hăng hái khám phá, học hỏi mọi thứ xung quanh. Bé biết nói và tập sử dụng ngôn ngữ, thường là những cụm từ hoặc những câu đơn giản. Thời điểm này bé cũng có thể đối thoại ngắn với người lớn, dù đôi khi cách dùng từ lẫn diễn đạt đều không đúng khiến bạn không thể hiểu gì.
2 tuổi bé còn biết đòi quyền tự quyết. Có nghĩa là, thỉnh thoảng trẻ không muốn làm theo những yêu cầu của bố mẹ, hoặc làm khác đi theo ý bé. Ở tuổi này bé cũng đã biết đồng cảm. Bé bắt đầu có biểu hiện về các kết nối giữa cảm xúc với hành vi khi tiếp xúc với người khác. Đây thực sự là một sự thay đổi lớn và khiến cha mẹ xúc động trước những cử chỉ an ủi của con khi cha mẹ đau buồn hay gặp chuyện gì khó khăn.
Đặc biệt, bé có trí nhớ rất tốt khi 2 tuổi. Bé nhớ rất nhanh và những gì bé học được ở giai đoạn này hầu như sẽ trở thành thói quen cho bé suốt cả quá trình khôn lớn. Cho nên, khi trẻ 2 tuổi mà được rèn luyện trí nhớ thì sẽ có trí nhớ tốt, duy trì liên tục và dễ dàng. Cần phải rèn luyện cho bé càng nhiều càng tốt. Kết hợp với đó sẽ là tăng cường dạy trẻ khả năng quan sát và thực hành ghi nhớ.
Giai đoạn bé lên 2 là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển toàn diện của bé. Vì vậy, bạn nên nhớ một vài nguyên tắc cơ bản: đừng đưa ra sự lựa chọn duy nhất trong những tình huống mà bạn thực sự chẳng cho bé quyền được lựa chọn. Trước khi dẫn bé đi công viên, đừng hỏi bé muốn mặc áo nào, thay vào đó, cho bé được lựa chọn bằng cách hỏi bé chọn mặc sơ mi màu xanh hay màu đỏ. Vào giờ giải lao, đừng hỏi bé muốn nghỉ mệt hay tiếp tục chơi. Quan trọng nhất là giới hạn sự lựa chọn của bé bằng việc chỉ đưa ra hai hoặc ba sự lựa chọn.

2. Giai đoạn 2 tuổi bé biết làm gì?
Kể từ khi bé bắt đầu chập chững biết đi thì mỗi ngày mới của bé sẽ mang đến một sự bất ngờ mới cho bố mẹ. Đến khi bé 2 tuổi, những bất ngờ ấy ngày một thú vị hơn. Nhưng đôi khi bố mẹ vẫn tự hỏi, liệu con phát triển như vậy có nhanh quá hay vẫn chậm hơn các bạn cùng lứa?Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, cố vấn tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đưa ra một số gợi ý về những điều đa số trẻ làm được lúc sinh nhật lần 2 như sau:
Về mặt xã hội, cảm xúc
– Bắt chước người khác, nhất là người lớn và trẻ lớn.
– Bị kích động khi có các trẻ khác.
– Tỏ ra càng ngày càng tự lập hơn.
– Tỏ hành vi thách thức (làm điều được bảo không được làm).
– Thường chơi bên cạnh trẻ khác, nhưng bắt đầu chơi cùng, như rượt bắt.

Về mặt ngôn ngữ, giao tiếp
– Chỉ đồ vật hoặc hình ảnh bằng ngón trỏ khi được nghe gọi tên.
– Biết tên của những người thân và bộ phận cơ thể.
– Nói câu với 2-4 từ.
– Theo các chỉ dẫn đơn giản.
– Lặp lại những từ được nghe trong cuộc đối thoại.
– Chỉ vào các vật trong sách.
– Nhận thức (học, nghĩ, giải quyết vấn đề).
– Tìm những vật được giấu dưới 2-3 nắp.
– Bắt đầu phân loại hình dạng và màu sắc.
– Bổ sung câu và nhịp điệu trong các sách quen thuộc.
– Chơi trò chơi giả vờ đơn giản.
– Xây tháp với tối thiểu 4 khối.
– Có thể dùng một bàn tay nhiều hơn bàn tay kia.
– Theo sự chỉ dẫn có 2 bước như: “Con lấy giày của con và đặt chúng trong phòng để đồ”.
– Nói tên các hình trong sách như mèo, chim hoặc chó…

Về cử động, phát triển thể chất
– Đứng nhón chân.
– Đá bóng.
– Bắt đầu chạy.
Bác sĩ Thanh cũng khuyến cáo cần gặp bác sĩ ngay khi trẻ có các biểu hiện:
– Không dùng cụm hai từ (ví dụ “uống sữa”).
– Không biết làm gì với những vật thông dụng, như bàn chải, điện thoại, muỗng.
– Không bắt chước hành động và từ ngữ.
– Không theo những hướng dẫn đơn giản.
– Không đi vững.
– Mất kỹ năng đã đạt được.
Kết bài
Khi bé 2 tuổi, hầu như mọi việc bé đã có thể nhận biết và bắt đầu hình thành hành vi ứng xử. Vì vậy, các bạn là bố mẹ cần lưu ý một số điều bé biết làm ở giai đoạn này để kịp thời giáo dục, uốn nắn và giúp đỡ bé. Không một bố mẹ nào lại không muốn con mình phát triển toàn diện, khỏe mạnh và thông minh. Hi vọng những thông tin trên đây sẽ phần nào giúp bạn thực hiện nguyện vọng của mình như ý nhất!