Ở tuổi lên 5, bé thích làm ngược lại các yêu cầu của cha mẹ để thể hiện vai trò của bản thân. Nếu bạn có cách dạy trẻ 5 tuổi đúng, bạn sẽ giúp kích thích được sự phát triển và không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” trong quá trình phát triển của trẻ. Nhưng như thế nào mới là phương pháp đúng để giáo dục trẻ lên 5? Hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết sau đây.
Tầm quan trọng trong việc giáo dục trẻ lên 5
Không ít các bậc làm cha mẹ mải mê với công việc mà bỏ bê việc giáo dục con cái. Họ không biết rằng, trẻ ở mỗi một giai đoạn sẽ có nhận thức và sự phát triển rất khác nhau. Muốn giúp con phát triển và hoàn thiện bản thân hơn, cha mẹ hãy giáo dục theo từng giai đoạn phát, đồng hành và luôn dõi theo con.
Cô con gái nhỏ của tôi bắt đầu lên 5 tuổi và tôi thực sự rất ngỡ ngàng trước những bước phát triển vượt bậc của con. Mặc dù vẫn chỉ là một cô bé nhưng suy nghĩ đã rất “người lớn”. Sự thay đổi này dường như chỉ diễn ra sau một đêm, khác hẳn với mấy tháng trước đó. Có lẽ vì thế mà tuổi lên 5 được các nhà khoa học ví là “giai đoạn vàng” của trẻ. Tất nhiên, sự thay đổi của mỗi trẻ sẽ không giống nhau nhưng ở chúng đều có các đặc điểm về tính cách và hành vi như sau:
– Bắt đầu bước vào 5 tuổi, trẻ thường nhìn nhận các sự việc với tinh thần lạc quan và chú ý đến mặt tích cực của vấn đề đã xảy ra hơn là mặt tiêu cực.
– Ở những đứa trẻ này ít xuất hiện cảm giác sợ hãi một điều gì đó.
– Trẻ đã phát triển theo khuynh hướng rất rõ ràng.
– Khi đã 5 tuổi, trẻ thường làm ngược lại những điều được cha mẹ yêu cầu.
– Trẻ bắt đầu phát triển khả năng “nghe có chọn lọc”.
– Điều đương nhiên là trẻ con thì không biết nói dối, do vậy trẻ có thể diễn đạt chính xác những gì đã xảy ra theo trí nhớ.
– Một số bậc cha mẹ sẽ cảm thấy “mệt nhoài” vì lúc này trẻ luôn hoạt động với nguồn năng lượng như không bao giờ cạn.
– Trẻ phát triển ý thức rất mạnh mẽ, biết đồng cảm và thường rất hào phóng.
– Trẻ 5 tuổi cực kỳ giàu trí tưởng tượng, rất nhanh chán và cảm thấy bồn chồn. Tuy nhiên, ở độ tuổi này chúng đã biết quan tâm tới những người xung quanh, thích bày tỏ ý kiến của mình nhiều hơn.
– Bắt đầu chú ý tới những việc như mẹ làm gì, bố làm gì… như là cách để phân chia công việc. Trẻ đã có khái niệm cư xử khác nhau với những người ở lứa tuổi khác nhau.

Những cách giúp cha mẹ động viên một đứa trẻ 5 tuổi
– Với những đứa trẻ vừa bước vào tuổi lên 5 như con gái tôi, tôi nhận ra rằng đây là độ tuổi trẻ luôn cố gắng để xác định vị trí của mình trong gia đình. Do vậy tôi thường xuyên giao cho bé một việc cụ thể, tạo ra tác dụng tích cực để bé thấy được tầm quan trọng của mình. Bạn không nên xem bé là một đứa trẻ nít, ngược lại hãy cho bé tham gia vào các công việc như nhặt rau, trông em, quét nhà… Hãy hỏi ý kiến của trẻ và động viên khích lệ khi bé làm đúng để phát huy khả năng tư duy, phân tích của con ngay từ nhỏ.
– Tôi thường khuyến khích bé chạy bộ, đạp xe đạp… để trẻ thoải mái với các hoạt động thể chất sẽ giúp con phát triển toàn diện.
– Lúc rảnh rỗi, tôi thường giành thời gian kể chuyện, nói chuyện với bé, hồi tưởng lại quá khứ kiểu như: “Hồi bố/mẹ bằng tuổi con bây giờ thì như thế nào?”. Dạy trẻ về những bài học đạo đức, những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống bằng cách kể chuyện. Những đứa trẻ trong độ tuổi này đã phần nào hiểu được ý nghĩa của những câu chuyện đơn giản, giúp giáo dục giá trị đạo đức, hình thành nhân cách cho trẻ về sau.
– Bên cạnh việc khuyến khích trẻ khẳng định tầm quan trọng của bản thân thông qua phụ giúp các công việc gia đình, bạn cần xác lập ranh giới để trẻ không vì thế mà ngỗ ngược hay ương bướng. Thay vì chỉ giáo dục bé bằng lý thuyết, bạn hãy để bé được thực hành nhiều hơn.
Dạy cho trẻ cách tự lập ngay từ nhỏ
Nguyên tắc tối quan trọng đầu tiên khi giáo dục con là bạn không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác và tạo điều kiện để trẻ phát triển tự nhiên. Bên cạnh đó, mặc dù không hi vọng con có thể giúp đỡ nhiều cho bố mẹ nhưng ít nhất cũng có thể tự phục vụ được cho nhu cầu các nhân của bản thân mình. Đây là độ tuổi trẻ đã biết quan sát, ghi nhớ và bắt chước các kỹ năng từ người lớn. Do vậy, khi lên 5 tuổi nếu không có vấn đề về thể chất, trẻ sẽ thành thạo các kỹ năng tự lập như sau:
1. Tự ăn mà không cần trợ giúp
Ở độ tuổi này, bạn cần dạy cho trẻ biết tự lấy thức ăn cho mình và tự xúc ăn được. Điều này không có nghĩa là bé được tự ý lấy bánh mứt và ăn thỏa thích. Bé cần biết xin phép bố mẹ nhưng khi có thể tự ăn, con sẽ thấy hào hứng và ngon miệng hơn.
2. Tự đi vệ sinh
Ở độ tuổi này, tất cả các bé trai và bé gái đều có thể tự mình đi vệ sinh, lau (rửa) khi xong mà không cần bạn trợ giúp nhiều. Do đó, bạn hãy dành thời gian tập cho con thói quen này.
3. Xì mũi
Trên thực tế là trẻ ở độ tuổi này đã tự biết xì mùi khi đi học chứ không cần bạn trợ giúp. Vì vậy, bạn hãy để cho con tự chăm sóc nhu cầu của mình.
4. Tự mặc đồ
Dù việc mặc giúp áo quần cho con sẽ tiết kiệm thời gian hơn việc chờ đợi con tự thay đồ. Nhưng đừng vì thế mà không cho bé cơ hội tự làm, thay vào đó bạn hãy giới hạn thời gian để bé tự hoàn thành công việc của mình.

5. Tự chọn quần áo
Có thể bé nhà bạn chỉ thích mặc đồ màu hồng và nhất quyết không chịu mặc những màu khác. Điều đó cũng không có gì quá nghiêm trọng, bạn hãy tôn trọng ý kiến của con chỉ cần điều đó làm bé thấy thoải mái.
6. Rửa mặt
Cách đơn giản nhất để bạn hướng dẫn trẻ rửa mặt này là đưa bé vào phòng tắm để quan sát cách bạn làm. Hãy nhớ nhắc con nhắm mắt lại khi bắt đầu rửa mặt.
7. Tự đánh răng
Hầu hết những đứa trẻ 5 tuổi đã biết tự mình lấy kem và đánh răng. Tuy nhiên, để tránh việc trẻ mãi chơi mà chải răng sai cách, bạn hãy theo dõi bé vào thời điểm bé đánh răng để có điều chỉnh kịp thời.

Kết luận
Như vậy, ở độ tuổi lên 5 sẽ có rất nhiều thứ bạn cần phải dạy bé và bé cũng háo hức để học rất nhiều điều trong cuộc sống. Mặc dù vậy, việc hình thành cho trẻ thói quen tự lập và động viên con phát huy những điểm mạnh của chính mình là điều quan trọng nhất. Hãy đồng hành cùng chúng tôi để chia sẻ, giải đáp mọi thắc mắc của bạn ngay từ bây giờ và hoàn thiện kĩ năng nuôi dạy con của mình nhé!