5 Cách Dạy Trẻ 3 Tuổi Biết Ứng Xử Cực Hay – Mau Ăn Chóng Lớn
Nuôi dạy con không chỉ là giúp trẻ phát triển về sức khỏe, khả năng tư duy, mà còn hướng dẫn con hoàn thiện nhiều mặt kỹ năng sống, trong đó có hành vi ứng xử. Yếu tố này đôi khi bị bố mẹ lơ là khi trẻ còn nhỏ. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, 3 tuổi là thời điểm thích hợp nhất để uốn nắn thái độ và hành vi cư xử ở trẻ. Vậy bố mẹ nên áp dụng thế nào các cách dạy trẻ 3 tuổi biết các quy tắc ứng xử cơ bản?

Người lớn thường xuề xòa trước lời nói, việc làm không ngoan của trẻ bằng lý do “Trẻ con mà”, mà không biết đã vô tình tạo nên tiền lệ xấu trong thái độ, hành vi cư xử ở con, cháu mình. Thay vì biện hộ rằng trẻ con chưa ý thức được hành động và lời nói, ba mẹ nên tìm cách để gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ, hướng con tới những thói quen tốt trong việc giao tiếp cũng như ứng xử hàng ngày.
Dưới đây là 5 phương pháp dạy trẻ 3 tuổi làm quen và rèn luyện đối với kĩ năng ứng xử mà ba mẹ nên tham khảo. Không hề ngoài tầm với nhưng rất cần sự yêu thương, chu đáo và kiên nhẫn từ ba mẹ!
1. Cha mẹ là tấm gương thực tế nhất
Thế giới quan của trẻ 3 tuổi phần lớn gói gọn trong hai chữ “gia đình”, nghĩa là mọi sự tốt đẹp- xấu xa đều rất dễ ảnh hưởng, kích thích đến nhận thức của trẻ. Ở độ tuổi này, lý thuyết không thể tác động đến sự thay đổi của trẻ, vì vậy, ba mẹ và những người thân trong gia đình buộc phải trở thành những tấm gương để trẻ theo dõi và bắt chước.
Một vài tình huống để cha mẹ có thể cụ thể hóa các bài học ứng xử cho trẻ như trên bàn ăn, đi mua đồ, nói chuyện với người lạ,… Bạn không cần phải cư xử quá kiểu cách, nhưng hãy đúng mực. Trẻ khi quan sát ba mẹ sẽ biết mình nên làm gì khi ngồi vào bàn ăn, sẽ nói gì khi nhận được quà tặng từ người khác hay hành động thế nào nếu lỡ làm hỏng một món đồ.
Vì vậy, cha mẹ hãy cẩn trọng trong từng lời nói và hành vi, vì đó có thể là tiền đề tạo nên tính cách và phẩm chất của con bạn sau này.
2. Phòng còn hơn chữa
Trước khi phải đưa ra các hình phạt hay biện pháp chấn chỉnh thái độ, hành vi ứng xử của trẻ, ba mẹ nên tìm cách dạy tốt nhất, để trẻ đi đúng đường ngay từ ban đầu.
Các chuyên gia gợi ý ba mẹ nên soạn ra một quy tắc ứng xử dạng mầm non, dành riêng cho con 3-4 tuổi. Bắt đầu từ những lời nói, cử chỉ nhỏ nhất như việc xưng hô, chơi với bạn bè, không nói trống không, nên chào hỏi, đến việc không mè nheo, đòi hỏi, không cáu giận khi không đạt được điều mình muốn,…
Những việc nhỏ nhặt đó sẽ tạo thói quen tốt cho trẻ trong quá trình tiếp thu, nhận thức thế giới, tác động tích cực đến hành vi của trẻ sau này. Phương pháp tạo tiền đề sẽ tốt và dễ dàng hơn so với việc uốn nắn về sau.

3. Có thưởng có phạt
Theo tiến sĩ Kadzin từ trung tâm nghiên cứu Yale Parenting, người lớn có xu hướng chỉ quan tâm đến những hành động sai trái mà thậm chí quên đi những điều tích cực trước đó của trẻ. Hãy nhớ rằng, con bạn mới chỉ 3 tuổi, và việc mắc lỗi trong giao tiếp hay ứng xử là hoàn toàn có thể chấp nhận.
Hãy cố gắng nhìn vào những điều đúng mực mà trẻ làm trước khi hăm dọa và trách cứ chúng. Khen ngợi là việc đầu tiên nên làm nếu con bạn có những biểu hiện tốt dù nhỏ nhất. Thậm chí, ba mẹ có thể cân nhắc những phần thưởng nho nhỏ khi con thể hiện là đứa trẻ rất biết cách cư xử.
Tất nhiên, có thưởng ắt có phạt. Hãy nghiêm túc chỉ ra những điểm không tốt khi con mắc lỗi, nhưng đừng quá tiêu cực hay hà khắc. Nói chuyện nhẹ nhàng và cùng trẻ tìm ra lỗi sai là điều mỗi cha mẹ nên làm. Trẻ sẽ thấy mình được lắng nghe và dần dần nhận thức được điều gì nên hay không nên làm trong từng hoàn cảnh.
Đôi khi, ba mẹ cũng đừng quá áp đặt suy nghĩ của người lớn lên trẻ, vì thực tế, đứa trẻ 3 tuổi sẽ có tư duy và tiếp thu khác xa với người lớn. Sau đó, hướng dẫn con rèn luyện bằng cách tái hiện tình huống giao tiếp để con nói lại, hành động lại cho đúng mực. Ba mẹ tuyệt đối nên nhớ: Đòn roi không bao giờ là giải pháp!
4. Rõ ràng và kiên định
Ba mẹ cần phải nhất quán việc dạy và hướng dẫn con trong các quy tắc ứng xử. Nên thống nhất với nhau, và thống nhất trong mọi trường hợp, rằng với tình huống thế này, trẻ nên xử lý thế này. Trẻ 3 tuổi chưa thể chọn lọc thông tin tốt xấu- đúng sai, vì vậy, ba mẹ nên hướng dẫn một cách rõ ràng, tỉ mỉ nhất trong từng lời nói, hành động của con.
Khi yêu cầu con nói gì, làm gì, cần giải thích để trẻ hiểu tại sao nên nói như thế, làm như thế, tránh trường hợp quá áp đặt khiến trẻ ấm ức, gây phản tác dụng.

5. Cổ vũ và động viên
Không chỉ có hiệu quả đối với cách dạy trẻ 3 tuổi, phương pháp cổ vũ và động viên nên được ba mẹ ghi nhận và áp dụng trong cả quá trình phát triển và trưởng thành của con cái sau này. Trẻ con chẳng khác nào tờ giấy trắng, non nớt và ngây thơ, hãy dùng những lời lẽ tích cực nhất để khích lệ con trong mọi hoàn cảnh. Khi đó, con sẽ cảm giác được ủng hộ trong mọi hoàn cảnh, từ đó nỗ lực và tự tin để hoàn thiện bản thân.
Thái độ tích cực của ba mẹ cũng giúp con có thái độ tích cực với cuộc sống và các mối quan hệ sau này.
Hành vi ứng xử không phải là yếu tố sớm chiều có thể làm tốt ngay từ trẻ nhỏ. Nhưng việc cùng con tìm hiểu, lý giải và rèn luyện lời nói, hành động từ khi con biết cảm nhận cuộc sống là tiền đề vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo.
Hy vọng, với bài chia sẻ này, ba mẹ sẽ tích lũy được các phương pháp dạy trẻ 3 tuổi những quy tắc ứng xử cần thiết để trẻ tự tin trên con đường hoàn thiện nhân cách và con người trong tương lai.