Chơi gì, chơi như thế nào luôn là câu hỏi thường gặp của các bậc cha mẹ, đặc biệt là trò chơi cho bé 3 tuổi lại càng khó nghĩ. Cùng mình tìm hiểu nhé!
Tầm quan trọng của những trò chơi đối với bé 3 tuổi
Sáng nay khi đi chợ, tình cờ mình gặp lại người quen cũ, thế là 2 chị em có 1 buổi chém gió cực kì khí thế. Nào là chuyện gia đình, công việc. Nào là chuyện cũ lâu ngày kể lại cười thật đã. Sau đó thì ai về nhà nấy, chợt nghe kể về cách chị ấy chơi cùng đứa con nhỏ mới 2 3 tuổi gì đó. Mình lại suy nghĩ: Có phải là chơi gì cũng tốt không? Có dễ dàng lựa chọn trò chơi không? Bé nào cũng nên chơi những trò chơi giống nhau không?….
Thế là về vội lo chuyện cơm nước, sau đó lật đật lên google ngay và luôn, ra được cả đống thứ liên quan tới việc cho con chơi. Thế mình mới té ngửa ra, việc cho con chơi trò chơi dù chỉ mới 3 tuổi là cực kì quan trọng. Vài lí do mình thấy hợp lí nhất là:
- Mục đích chính là giúp bé vừa chơi, vừa học.
- Giúp mang lại niềm vui cho bé, có tác động tích cực tới sự phát triển toàn diện của bé
- Chọn đúng đồ chơi sẽ kích thích sự sáng tạo, thông minh của bé
- Có quá nhiều đồ chơi made in Chi..a, toàn chất độc, nguy hiểm nếu chọn nhầm
- Đồ chơi bạo lực, siêu nhân, máy bay tùm lum thứ
- …
Uh, giờ thì thấy nó quan trọng vô cùng,, vậy mà đó giờ cứ tưởng… Vậy chơi gì bây giờ? Chọn trò chơi gì cho con bây giờ? Nó còn nhỏ xíu mà @@
Bạn đoán xem mình làm gì 😀 “Dân ta phải biết sử ta, cái gì ko biết thì… tra google” 😀
Lại tìm thấy vài trò chơi hay, bổ ích lại có thể tự tạo ra được. Thật là đã, quyết định đem ra đây bày ra cho mọi người cùng tham khảo, biết dâu lại giúp được cho ai đó thì sao. Mà nói quá trời rồi, chắc mọi người nôn muốn biết là trò gì rồi, không khéo lại chửi mình mất. Thôi bắt đầu thôi.
5 trò chơi hay dành cho bé 3 tuổi
Trẻ con thường rất thích tự xây dựng và trang trí “lãnh địa” theo ý thích riêng của mình. Có một cách để bé tha hồ sáng tạo và biến tấu căn phòng mơ ước mà chẳng hề tốn kém chút nào, đó là sử dụng chất liệu bìa cát-tông(cái này ra chợ tìm mua dễ lắm) và màu vẽ. Tham khảo video này cho dễ hiểu nha các bạn.
Clip gợi ý cách làm nhà bằng bìa các-tông
Trò chơi này không chỉ khiến bé thích thú mà còn giúp gắn kết các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, thông qua việc suy nghĩ, sáng tạo và cảm nhận, bé sẽ có cơ hội rèn luyện trí não và học cách bày tỏ, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.
Ba mẹ hãy giúp bé hiện thực hóa ước mơ với những chất liệu đơn giản lại vô cùng rẻ này nhé!



2. Tinh mắt tìm đồng xu
Chỉ với một đồng xu hoặc một chiếc kẹo hay viên xúc xắc và 3 chiếc cốc giấy, mình nghĩ là cả ba mẹ và bé đã có thể cùng nhau chơi cả buổi mà không chán. Tưởng tượng tới cảnh tìm mà không thấy, lúng ta lúng túng 😀

Ba mẹ hãy úp 3 chiếc cốc và giấu đồng xu dưới 1 trong số chúng. Đảo thứ tự của những chiếc cốc và đố bé xem đồng xu đang nằm ở vị trí nào.
Trò chơi tinh mắt này giúp trẻ vận động trí não và luyện tập việc ghi nhớ đồ vật, vị trí. Hãy bắt đầu từ dễ và dần dần chuyển khó hơn để bé thấy được sự hấp dẫn trong trò chơi. Đừng quên những phần quà hoặc lời khen ngợi sau mỗi lần bé đoán đúng để khích lệ bé nữa nhé!
Game giúp bé vận động trí não và ghi nhớ thật lâu
Trò chơi tinh mắt là một bài tập nhỏ để bé rèn luyện tính tập trung và phân tích. Sau khi bé đã làm quen với 3 cốc, hãy tăng độ khó bằng 4-5 cốc để bé tăng khả năng suy nghĩ và tập trung của mình.
Một mẹo nhỏ nữa là trong lúc bé không để ý, ba mẹ có thể giấu đồng xu đi và khiến bé bất ngờ khi không thể tìm thấy đồng xu ở đâu bên dưới 3 chiếc cốc, giống như ba mẹ biết làm ảo thuật vậy. Điều này sẽ khiến bé thấy trò chơi thú vị và bớt nhàm chán hơn.
3. Cùng bé phân biệt màu sắc
Đọc thấy nói rằng khoảng 3-4 tuổi, nếu được người lớn hướng dẫn, bé đã có thể nhận biết và phân biệt những màu sắc cơ bản(cái này đó giờ đâu nghĩ là sớm vậy). Vì vậy, các bạn có thể cùng bé chơi những trò chơi liên quan đến thật nhiều màu sắc để bé có thể tập quen dần và phân biệt được các màu.
Cũng có rất nhiều cách để chơi “màu sắc” cùng bé từ những đồ vật trong gia đình. Ba mẹ nếu có thời gian, có thể tự mình cắt dán sáng tạo những trò chơi đơn giản để bé phân biệt và phân loại các màu với các vật thể.

Bé hãy sắp xếp hành khách vào đúng toa tàu

Mẹo nhỏ là nên tạo thói quen ghi nhớ màu sắc của bé bằng cách thường xuyên đố bé những loại rau củ, bánh kẹo hay quần áo là màu gì. Không chỉ phân biệt được màu, bé thậm chí còn có thể phát huy khả năng thẩm mĩ phối màu rất tốt ngay từ khi còn nhỏ đấy.
Theo mình thấy thì trò chơi phân biệt màu sắc này giống như một bài tập nhỏ giúp bé rèn luyện trí não và làm quen với việc suy nghĩ, ghi nhớ và phân loại.
4. Đèn xanh, đèn đỏ
Mình cực kì thích trò chơi đơn giản này, nó vừa đơn giản vừa dễ chơi. Lại được được các chuyên gia gợi ý rất nhiều cho ba mẹ. “Đèn xanh, đèn đỏ” không chỉ là trò chơi thắng thua, mà còn là một cách khéo léo để mình có thể giáo dục cho trẻ những thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ, cụ thể là trong vấn đề tham gia giao thông. Mai này con lớn lên thì ý thức nó đã hình thành từ hồi còn nhỏ rồi, rất dễ 😀
Trò chơi đèn xanh, đèn đỏ
Nếu mà có vài đứa bé 3-4 tuổi cùng nhau chơi thì càng vui (đông vui mà, con nít nó cũng như mình thôi). Khi ba mẹ nói lớn “Đèn xanh”, mấy đứa nhỏ nhanh chân nhảy lên một bước. Nhưng khi nói “Đèn đỏ”, thì các bé phải đứng yên tại chỗ. Nếu bé nào “quên mất” mà nhảy tiếp, sẽ bị phạt lùi 2 bước. Cuối cùng, bé nào tham gia giao thông an toàn và về đích trước tiên sẽ được nhận quà tặng.
Cái khó của trò này là làm sao cho mấy bé hiếu động chịu nghe lời mà chơi theo đó, chắc mỗi gia đình có cách riêng của mình nhỉ. Riêng mình thì mình chọn cách cùng chơi với con luôn, coi ai thắng ai thua
5. Trò chơi của chính con
Bạn có tin được là bé con bạn cũng có trò chơi của riêng nó không? Haha, thật bất ngờ là không phải trò chơi nào ba mẹ nghĩ ra cũng khiến bé thích thú. Thấy nhiều chuyên gia gợi ý rằng, đôi khi, ba mẹ hãy là người chơi và để bé đưa ra luật chơi. Trẻ 3 tuổi đã có những sáng tạo và suy nghĩ riêng, và chắc chắn rằng, bé sẽ thấy thú vị hơn với những thứ mà tự bản thân mình tạo ra.
Bé sẽ có rất nhiều ý tưởng cho trò chơi
Đó có thể là đóng kịch, hát, nhảy hay đố vui,… hoặc là đủ thứ kì lạ trên đời. Đừng bận tâm là trò gì, ba mẹ hãy tham gia thật vui vẻ cùng bé. Ba mẹ hoàn toàn có thể cùng bàn bạc với bé để tìm ra luật chơi khiến bé thấy hấp dẫn nhất. Với mỗi lần tìm ra ý tưởng mới như vậy, bé lại có thể luyện khả năng suy nghĩ và sáng tạo, đồng thời bắt đầu hiểu về sự công bằng trong trò chơi – một cách rèn luyện đức tính sau này.
Ba mẹ chỉ cần chơi thật vui cùng con!
Kết luận
Trò chơi cho bé 3 tuổi là một kho tàng đầy màu sắc và không giới hạn. Hãy giúp bé tránh xa những điện thoại, máy tính và tạo thói quen vận động thể chất cũng như trí óc ngay từ khi còn nhỏ. Từ những gợi ý trên, ba mẹ và bé có thể cùng nhau gắn kết tình cảm và tạo nên nhiều giờ phút thư giãn chơi mà học thú vị và bổ ích.